Phó giáo sư – Tiến sỹ Trần Lâm Biền – bình phẩm

Phó giáo sư - Tiến sỹ Trần Lâm Biền - bình phẩm

Tôi đọc “Gốm Tuyên”

Một duyên may đưa đẩy tôi tiếp cận với Nghệ nhân kiêm Nghệ sỹ Phạm
Văn Tuyên (Thầy Thích Chánh Tịnh), để rồi chìm đắm trong dòng “Gốm Phù
Điêu, xưa nay hiếm” – một dòng sáng tạo sản phẩm của một thứ tư duy trừu
tượng, xuất phát từ nhịp thở của cả Đạo và Đời.
Tôi đi trong những phòng trưng bày của tác giả, để xem và ngẫm, rồi như
bị mê hoặc bởi cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tôi
chợt nhớ tới lời của một nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, rằng: “Nghệ thuật
không chỉ là cái ta nhìn thấy bằng mắt thường, mà là cái ta tâm tưởng” (Thái Bá
Vân). Vì thế, tôi thích tiếp cận với Gốm của Nhà Thiền học, dưới góc độ “đọc”
nó (La lecture de I’Art) để nhận ra Nó, không chỉ là Nó, ấy mới chính là Nó đấy
– Có nghĩa, không chỉ dừng ở cái thấy (cái “Hiển”) mà còn ở cái “Mật”, cái ẩn ý
mà tác giả muốn thể hiện.
Gốm của Tuyên không theo bất kể một lối mòn định sẵn mang tính thời
thượng nào, nó không mất cân xứng, gập ghềnh, quằn quại…như của một số
người làm gốm đã cố tình tạo nên. Dáng “Gốm Tuyên” như một bài ca “Kim cổ
giao duyên” rút ra từ truyền thống kết hợp với đôi nét tinh túy của hiện đại.
“Gốm Tuyên” thường lớn, đủ không gian làm bệ đỡ cho các đề tài đậm chất điêu
khắc (hoa thiêng, cây cối…). Nhưng nổi bật lên vẫn là các hình tượng mang tính
triết học, để “Gốm Tuyên” có thể đối thoại với nhận thức của người xem…Trong
không khí ồn ào của cỏ cây hoa lá, chúng ta như vẫn thấy tiếng thầm thì của
những màu men đa dạng dưới sự thao diễn đến ngỡ ngàng của tác giả. Phạm
Văn Tuyên với tâm tư bình thản, luôn lấy “Hòa” làm trọng để tâm hồn dễ nhập
vào thiên nhiên, vũ trụ và cuộc đời bụi bặm. Tôi đã như thấy nhiều luồng tư
tưởng của tác giả qua các dòng men nhiều năm song hành lượn bay lên cao, đó
như một tiếng gọi dẫn hồn thơ bay vào không gian vô tận, vào cõi thanh hư.
Cũng còn đó, khá nhiều mảng phù điêu phản ánh lúc Hành giả Chánh Tịnh đã
chìm vào “Thiền Quán”, mang yếu chỉ của đấng Từ tôn, đã đánh thức tiềm năng
nội tại, tạo ra dinh dưỡng tinh thần để cống hiến mọi vẻ đẹp để đời.
Phạm Văn Tuyên với lý tưởng Phật giáo và yêu văn hóa Dân tộc, thong
dong trước vạn vật vô thường, ấp ủ hoài bão, nhiệt huyết với mục tiêu…để rồi
Ông hiện thực, thổi hồn vào đất, tạo nên những tác phẩm đậm chất Chân – Thiện
– Mỹ, “Gốm Tuyên” chỉ có thể là của Tuyên, với sự sáng tạo – Một phong cách
riêng đáng trân trọng./.

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2021

Trần Lâm Biền

Nhà Nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền của dân tộc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *