Nhà sử học Dương Trung Quốc – Lời giới thiệu

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Lời giới thiệu

ĐẤT – NƯỚC – LỬA là ba yếu tố sinh thái tạo nên sự sống và nhân loại. Sự kết hợp giữa ba yếu tố đó chính là Gốm, sản phẩm đầu tiên được con người tạo tác, không chỉ giúp duy trì sự sống (săn bắt, hái lượm) mà còn là vật dụng cần thiết để đựng và dự trữ thực phẩm… dinh dưỡng cho sự phát triển giống loài. Ngày nay, gốm đã trở thành thứ vật liệu cao cấp, có giá trị và là nét văn minh phổ quát cho các dân tộc, một di sản phong phú, đa dạng, tiềm ẩn sự sáng tạo vô cùng tận…Với gốm, công nghệ luôn gắn với nghệ thuật, như vậy một thợ giỏi mới có thể trở thành một nghệ sĩ.
Lời giáo đầu có phần lý thuyết cũng chỉ để giới thiệu một con người cụ thể; một người thợ, một nghệ sỹ hay nói đúng hơn là một “hiện tượng” – đó là sự xuất hiện của một người thợ gốm nghiệp dư, nghĩa là không có gốc gác gắn bó với một làng nghề, vùng nghề, không kế thừa một truyền thống, một trường phái nào…Nhân vật xuất hiện như một hiện tượng khác thường.
Tôi có duyên được tiếp cận tại một cuộc triển lãm cá nhân trong khuôn viên. của Galery nghệ thuật ở Hải Phòng, đó là đắp những hoa văn, họa tiết trên 100 chiếc bình gốm khác nhau (Bách Bình). Ấn tượng đầu tiên trong tôi và được chia sẻ với các bạn truyền thông khi đó đã là…“một hiện tượng” vì nó khác thường, so với cả khuynh hướng gốm hiện đại vốn đang được giới nghệ thuật quan tâm và sáng tạo… Hơn thế, tác giả lại là một tu sỹ Phật giáo, tuổi đời đang độ sung sức, không còn trẻ và chưa già. Tác giả thiết kế, tạo hình điêu khắc, nặn đắp, phủ men, nung đốt, làm chủ quy trình sản xuất gốm.
Đến lần xuất hiện thứ hai tại cuộc triển lãm sản phẩm “Làng nghề” trong không gian Di sản Thành cổ Thăng Long – Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức, sản phẩm đã “lột xác” hoàn toàn qua ngôn ngữ thể hiện mới với những họa tiết, hình khối và loại hình sản phẩm. Sau sự kiện ra mắt ở Trung ương này, tác giả đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Từ đây tác giả đã tự định danh dòng sản phẩm của mình là “Gốm Phù Điêu”.
Kể từ đó, một không gian nhỏ, hiện đại những đầy màu sắc nghệ thuật đã được dựng lên ở miền đất Kiến Thụy – Hải Phòng, là nơi sáng tạo của một Nghệ sỹ, lò nung của một thợ gốm, nơi trưng bày và giao lưu của một Nghệ nhân…
Những ngày này, lò gốm ở xứ ấy luôn đỏ lửa, rất nhiều tác phẩm, sản phẩm đến tay giới quan tâm sở hữu và đã ra cả thị trường chọn lọc… Đó chính là dấu hiệu của sức sống mà “Gốm Phù Điêu” đã đã xác lập khi tuổi đời còn rất trẻ… Nếu quyển sách mang tiêu đề “Bách Bình” giới thiệu những tác phẩm đầu tiên là tấm giấy khai sinh, thì quyển sách “Tiếng đất gọi bàn tay” mà các bạn đang cầm chính là tấm thẻ căn cước báo hiệu “Gốm Phù Điêu” đã thành niên, nhưng ở tuổi còn rất trẻ và đang sung sức.
Tác giả của “Gốm Phù Điêu”, cùng những tác phẩm được giới thiệu trong ấn phẩm này chính là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên, đạo hiệu Thích Chánh Tịnh. Tôi quen miệng thích gọi hiện tượng này, không thể thiếu một chữ “Thầy” của nhà Chùa và của nhà Nghề, một cách trân trọng “Gốm Thầy Tịnh”.

Hà Nội, Cuối Thu 2021

Dương Trung Quốc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *